Tranh chấp đất đai là tranh chấp có thủ tục khá phức tạp và kéo dài, nhiều trường hợp người dân không thể tự mình viết đơn, thu thập chứng cứ, chứng minh và tranh tụng tại tòa để có sở thắng kiện.
Nhằm giúp người dân nắm được một số quy định cơ bản trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai hoặc lựa chọn phương án giải quyết phù hợp, chúng tôi tổng hợp một số quy định như sau:
1. Phải hiểu rõ thế nào là tranh chấp đất đai
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất như tranh chấp về ranh giới do hành vi lấn, chiếm,… Những tranh chấp về chuyển nhượng, tặng cho, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không phải là tranh chấp đất đai.
Ý nghĩa của việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp đất đai: Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất nếu muốn khởi kiện. Nói cách khác, tranh chấp đất đai không được khởi kiện luôn tại Tòa án mà phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu không sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.
2. Phải hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện
Theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định:
“Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.”.
Cũng theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này, đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã.
Như vậy, chỉ tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mới bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất.
3. Cách giải quyết tranh chấp khi đất có Sổ đỏ
Sau khi hòa giải không thành tại UBND cấp xã mà các bên vẫn muốn giải quyết tranh chấp thì các bên chỉ được gửi đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân.
4. Cách giải quyết tranh chấp khi đất không có Sổ đỏ
Sau khi hòa giải không thành tại UBND cấp xã, nếu đất không có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP các bên được lựa chọn một trong hai cách giải quyết sau:
– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân
– Đề nghị UBND cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết (tùy từng trường hợp cụ thể).
5. Xem xét khả năng thắng kiện trước khi khởi kiện
* Lý do phải xem xét khả năng thắng kiện
Khi xảy ra tranh chấp các bên đều có căn cứ riêng và có mục đích thắng kiện, nhưng trước khi khởi kiện các bên phải xem xét khả năng thắng kiện vì:
– Người khởi kiện mà thua kiện phải mất án phí, chưa kể các chi phí khác.
– Thời gian khởi kiện thường kéo dài.
* Căn cứ xem xét khả năng thắng kiện
Căn cứ Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp quy định.
Như vậy, muốn thắng kiện phải có chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khi khởi kiện.
Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”.
Theo đó, để trở thành chứng cứ phải có đầy đủ thuộc tính sau:
– Tính khách quan (có thật);
– Tính liên quan đến tình tiết vụ án;
– Tính hợp pháp.
Như vậy, chỉ khi nào có chứng cứ mới có khả năng thắng kiện. Trường hợp không thể tự mình xác định được bạn đọc có thể liên hệ tới tổng đài 1900.6192.
6. Phải ghi và nộp đơn tại đúng Tòa có thẩm quyền
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền của Tòa án gồm: Thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo cấp, thẩm quyền theo lãnh thổ.
Căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong đơn khởi kiện phải ghi rõ là: Tòa án nhân dân + tên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất xảy ra tranh chấp.
Đồng thời, khi ghi đơn xong người khởi kiện lựa chọn nộp đơn theo một trong ba hình thức sau:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án (phổ biến nhất);
– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
7. Thời gian giải quyết vụ án tranh chấp đất đai
Căn cứ Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn xét xử giai đoạn sơ thẩm được quy định như sau:
– Thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 06 tháng, cụ thể:
+ Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
+ Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.
– Thời hạn đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (tối đa không quá 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử).
+ Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa;
+ Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Như vậy, thời hạn kể từ ngày thụ lý vụ án đến khi mở phiên tòa sơ thẩm tối đa là 08 tháng, chưa kể thời gian các đương sự hoãn hoặc vụ án bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ. Tuy nhiên, đây chỉ là thời hạn xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật, trên thực tế vụ án có thể kéo dài nhiều năm.
8. Án phí khi khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai
Lưu ý:
– Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
– Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Theo danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, án phí dân sự sơ thẩm trong khởi kiện vụ án như sau:
TT |
Án phí dân sự sơ thẩm |
Mức án phí |
1 |
Tranh chấp về dân sự không có giá ngạch | 300.000 đồng |
2 |
Đối với tranh chấp về dân sự có giá ngạch | |
2.1 |
Từ 06 triệu đồng trở xuống | 300.000 đồng |
2.2 |
Từ trên 06 đến 400 triệu đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
2.3 |
Từ trên 400 đến 800 triệu đồng | 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng |
2.4 |
Từ trên 800 triệu đồng đến 02 tỷ đồng | 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng |
2.5 |
Từ trên 02 đến 04 tỷ đồng | 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 02 tỷ đồng |
2.6 |
Từ trên 04 tỷ đồng | 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỷ đồng |
Trên đây là một số quy định cần biết trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai. Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ vơi chúng tôi theo số điện thoại 0978 577 768 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com