Người phạm tội được hưởng án treo sẽ không phải chấp hành án phạt tù. Vậy điều kiện hưởng án treo là gì?
Án treo là gì?
Tại Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP định nghĩa:
“Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”
Như vậy, án treo là một biện pháp thay thế cho hình phạt tù khi có đủ những điều kiện nhất định. Thay vì phạt tù, người hưởng án treo sẽ được tự cải tạo dưới sự quản lý, giám sát và giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc địa phương nơi cư trú.
2. Điều kiện được hưởng án treo
Căn cứ Điều 2 Nghị quyết 02, người bị phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ 05 điều kiện sau đây:
(1) Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
(2) Có nhân thân tốt.
Người phạm tội được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
Ngoài ra, đối với người thuộc một trong các trường hợp sau cũng có thể hưởng án treo:
– Người đã bị kết án nhưng được coi là không có án tích hoặc đã được xóa án tích;
– Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội đã quá 06 tháng, nếu xét tháy tính chất, mức độ của tội phạm mới ít nghiêm trọng hoặc là đồng phạm có vai trò không đáng kể.
(3) Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự (BLHS) và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS.
Trong đó, một số tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS là: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…
Tại khoản 1 Điều 52 quy định một số tình tiết tăng nặng như: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Phạm tội có tính chất côn đồ; Phạm tội vì động cơ đê hèn; Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; Phạm tội 02 lần trở lên…
Lưu ý: Nếu có tình tiết tăng nặng thì số tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn số tiền tiết tăng nặng từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 Điều 51.
(4) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Nơi cư trú rõ ràng ở đây là nơi tạm trú hoặc thường trú cơ địa chỉ được xác định cụ thể mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
(5) Xét thấy không cần phải chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, người phạm tội muốn được hưởng án treo thì phải có đủ tất cả 05 điều kiện như trên. Tuy nhiên, việc có được hưởng án treo hay không còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Tòa án.
3. Người hưởng án treo có được rời địa phương không?
Theo khoản 2 Điều 10 Luật Cư trú, được hưởng án treo là một trong những trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú.
Trong đó, Điều 92 Luật Thi hành án hình sự quy định về giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo như sau:
– Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú.
Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá 1/3 thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
– Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.
Trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi minh đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.
– Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
Theo quy định trên, người được hưởng án treo chỉ bị hạn chế quyền tự do cư trú và vẫn được rời khỏi địa phương nếu có lý do chính đáng và được sự cho phép của UBND xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát.
Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com