Việc mất giấy khai sinh bản gốc khiến người dân phải tiến hành xin cấp trích lục khai sinh. Hoặc đơn giản hơn, khi không muốn sử dụng bản gốc do sợ mất, sợ hư hỏng, người dân cũng có thể tiến hành thủ tục này một cách đơn giản.
Thủ tục xin cấp trích lục khai sinh
Khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch quy định:
9. Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
Theo quy định trên, có thể hiểu trích lục khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện sinh của một cá nhân đã đăng ký khai sinh.
Hiện nay, cơ quan đăng ký khai sinh được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Hộ tịch như sau:
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện).
Về cơ quan cấp bản sao trích lục hộ tịch, Điều 63 Luật hộ tịch quy định cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký như sau:
Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.
Theo khoản 5 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014:
Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Vì thế, mọi người có quyền xin cấp bản sao trích lục khai sinh tại:
– Bộ Tư pháp;
– Bộ Ngoại giao;
– Cơ quan đăng ký hộ tịch: Thông thường là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu khai sinh có yếu tố nước ngoài).
Về thủ tục xin cấp trích lục khai sinh bản sao, căn cứ Điều 64 Luật Hộ tịch:
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
Vậy cần chuẩn bị:
– Mẫu đơn xin trích lục giấy khai sinh;
– Xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh;
– Trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục phải có văn bản ủy quyền.
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch căn cứ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục giấy khai sinh, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục cho người yêu cầu.
Ủy quyền trích lục khai sinh
Nếu không thể đến trực tiếp xin bản sao trích lục khai sinh, bạn có thể ủy quyền cho người khác tiến hành thủ tục này. Khoản 2 Điều 6 Luật Hộ tịch quy định:
Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Đối với các việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc ủy quyền.
Trong trường hợp này, ngoài các giấy tờ thông thường khi xin cấp bản sao trích lục khai sinh, cần chuẩn bị giấy ủy quyền. Theo Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP:
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
Như vậy, nếu ủy quyền cho người khác, bạn cần chứng thực văn bản ủy quyền. Nếu ủy quyền cho ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột thì người được ủy quyền chỉ cần xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ này như sổ hộ khẩu…
Giá trị pháp lý của trích lục khai sinh
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực như sau:
1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khoản 7 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
7. Sổ gốc là sổ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra khi thực hiện việc cấp bản chính theo quy định của pháp luật, trong đó có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính mà cơ quan, tổ chức đó đã cấp.
Đối chiếu các quy định trên, sổ hộ tịch được xác định là một loại sổ gốc và bản sao trích lục hộ tịch thực chất chính là bản sao được cấp từ sổ gốc (sổ hộ tịch). Như vậy, bản sao trích lục giấy khai sinh có giá trị tương tự như bản chính.
Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com