Cách đọc thông tin Sổ đỏ, Sổ hồng 2021 mới nhất

Nếu biết cách đọc thông tin Sổ đỏ, Sổ hồng sẽ biết ai là người sử dụng đất, diện tích, mục đích sử dụng đất và đất có đang thế chấp không? Từ đó có thể loại trừ rủi ro pháp lý khi nhận chuyển nhượng

* Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân; tùy vào từng thời kỳ mà Sổ đỏ, Sổ hồng có tên gọi pháp lý khác nhau. Từ ngày 10/12/2009 đến nay, khi đủ điều kiện thì người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).

Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen và trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung sau:

– Trang 1 gồm:

+ Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ.

+ Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

+ Số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

– Trang 2 là thông tin thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Trang 3 là sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận.

– Trang 4 là nội dung tiếp theo của mục những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận, nội dung lưu ý, mã vạch.

Mặc dù chỉ có 04 trang nhưng rất nhiều thông tin phức tạp, để biết rõ mời đọc giả xem cách đọc thông tin Sổ đỏ, Sổ hồng dưới đây.

1. Thông tin người sử sụng đất

Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi tại trang 1 của Giấy chứng nhận.

* Cá nhân trong nước

Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định thông tin người được cấp Giấy chứng nhận là cá nhân trong nước như sau:

Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”;”

* Hộ gia đình sử dụng đất

Theo điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thông tin khi cấp Giấy chứng nhận cho Hộ gia đình sử dụng đất như sau:

– Ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

– Nếu chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

– Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.

* Nhà đất là tài sản chung của vợ chồng

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng.

* Tổ chức trong nước

Khi cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước thì ghi tên tổ chức; tên giấy tờ, số và ngày ký, cơ quan ký giấy tờ pháp nhân (là giấy tờ về việc thành lập, công nhận tổ chức hoặc Giấy chứng nhận hoặc giấy phép, về đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật); địa chỉ trụ sở chính của tổ chức (theo điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).

2. Thông tin về thửa đất

Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định thông tin về thửa đất được thể hiện tại trang 2 của Giấy chứng nhận gồm: Thửa đất số, tờ bản đồ số, địa chỉ thửa đất, diện tích, hình thức sử dụng, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, nguồn gốc sử dụng. Trong đó cần lưu ý một số thông tin sau:

* Hình thức sử dụng

Theo khoản 5 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, hình thức sử dụng được ghi như sau:

– Ghi “Sử dụng riêng” nếu toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất (một cá nhân hoặc một hộ gia đình, hai vợ chồng, một cộng đồng dân cư, một tổ chức trong nước, một cơ sở tôn giáo, một cá nhân nước ngoài, một người Việt Nam định cư ở nước ngoài,…).

– Ghi “Sử dụng chung” nếu toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất.

Lưu ý: Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận nhỏ hơn diện tích cả thửa đất và có hình thức sử dụng chung, sử dụng riêng đối với từng loại đất thì lần lượt ghi “Sử dụng riêng” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng riêng kèm theo; ghi “Sử dụng chung” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng chung kèm theo.

Ví dụ: Sử dụng riêng: Đất ở 120m2, đất trồng cây lâu năm 300m2; Sử dụng chung: Đất ở 50m2, đất trồng cây hàng năm 200m2.

* Mục đích sử dụng đất

Khi nhận chuyển nhượng thì mục đích sử dụng đất rất quan trọng vì người dân phải sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, nếu tự ý chuyển mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Căn cứ khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mục đích sử dụng đất ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể với các loại đất như sau:

– Nhóm đất nông nghiệp gồm: “Đất chuyên trồng lúa nước”, “Đất trồng lúa nước còn lại”, “Đất trồng lúa nương”, “Đất trồng cây hàng năm khác”, “Đất trồng cây lâu năm”, “Đất rừng sản xuất”, “Đất rừng phòng hộ”, “Đất rừng đặc dụng”, “Đất nuôi trồng thủy sản”, “Đất làm muối”, “Đất nông nghiệp khác”.

– Nhóm đất phi nông nghiệp gồm: “Đất ở tại nông thôn”, “Đất ở tại đô thị, “Đất thương mại, dịch vụ”, “Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”, “Đất phi nông nghiệp khác”,…

Lưu ý:

– Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất cho một người sử dụng đất vào nhiều mục đích thì phải ghi đầy đủ các mục đích đó. Nếu thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích mà trong đó đã xác định mục đích chính, mục đích phụ thì tiếp sau mục đích chính phải ghi “(là chính)”.

– Thửa đất ở có vườn, ao mà một phần diện tích được công nhận là đất ở và phần còn lại được công nhận sử dụng vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp thì lần lượt ghi “Đất ở” và diện tích được công nhận là đất ở kèm theo, tiếp theo ghi lần lượt từng mục đích sử dụng đất cụ thể thuộc nhóm đất nông nghiệp và diện tích kèm theo.

* Thời hạn sử dụng đất

Theo khoản 7 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thời hạn sử dụng đất được ghi nhận rõ trong Giấy chứng nhận như sau:

TT

Thời hạn sử dụng đất

Trường hợp

1

Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng Sử dụng đất có thời hạn

2

Lâu dài Thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài. Ví dụ: Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng

3

Theo quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất
Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất “Đất ở: Lâu dài; Đất… (ghi tên mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp đối với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở): Sử dụng đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng).

3. Thông tin về nhà ở

Thông tin về nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ghi tại trang 2 của Giấy chứng nhận và được thể hiện như sau:

* Nhà ở riêng lẻ

– Loại nhà ở: Ghi loại nhà ở cụ thể theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Ví dụ: “Nhà ở riêng lẻ”; “Nhà biệt thự”.

– Diện tích xây dựng: Ghi diện tích mặt bằng chiếm đất của nhà ở tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao của nhà, bằng số Ả Rập, theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân. Ví dụ: 68,5m2.

– Diện tích sàn: Ghi bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân. Đối với nhà ở một tầng thì ghi diện tích mặt bằng sàn xây dựng của nhà đó. Đối với nhà ở nhiều tầng thì ghi tổng diện tích mặt bằng sàn xây dựng của các tầng.

– Hình thức sở hữu: ghi “Sở hữu riêng” đối với trường hợp nhà ở thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp nhà ở có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích kèm theo.

– Cấp (hạng) nhà ở: Ví dụ: Cấp IV.

– Thời hạn được sở hữu:

+ Nếu mua nhà ở có thời hạn thì ghi ngày tháng năm hết hạn được sở hữu theo hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở.

+ Nếu được sở hữu nhà ở trên đất thuê, mượn của người sử dụng đất khác thì ghi ngày tháng năm kết thúc thời hạn thuê, mượn.

+ Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-“.

* Căn hộ chung cư

– Loại nhà ở: Ghi “Căn hộ chung cư số…”.

– Tên nhà chung cư: Ghi tên hoặc số hiệu của nhà chung cư, nhà hỗn hợp theo dự án đầu tư hoặc thiết kế, quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

– Diện tích sàn: Ghi diện tích sàn xây dựng căn hộ, diện tích sử dụng căn hộ theo hợp đồng mua bán căn hộ và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở.

– Hình thức sở hữu: Ghi “Sở hữu riêng” đối với trường hợp căn hộ thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp căn hộ thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp căn hộ có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích kèm theo.

Ví dụ: Sở hữu riêng 50m2; sở hữu chung 20m2.

– Thời hạn được sở hữu:

+ Nếu mua căn hộ chung cư có thời hạn thì ghi ngày tháng năm hết hạn được sở hữu theo hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở.

+ Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-“.

– Hạng mục được sở hữu chung ngoài căn hộ: Ghi tên từng hạng mục ngoài căn hộ chung cư và diện tích kèm theo (nếu có) mà chủ sở hữu căn hộ có quyền sở hữu chung với các chủ căn hộ khác theo hợp đồng mua, bán căn hộ đã ký.

Lưu ý: Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận mà thửa đất không có tài sản gắn liền với đất hoặc có tài sản gắn liền với đất nhưng người sử dụng đất (đồng thời là chủ sở hữu tài sản) chưa có nhu cầu chứng nhận thì được thể hiện bằng dấu “-/-“.

4. Thông tin sang tên, thế chấp

Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”

Như vậy, khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp…phải đăng ký biến động và chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm vào sổ địa chính.

Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động (đăng ký sang tên) người sử dụng đất có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận mới. Nếu không đề nghị cấp Giấy chứng nhận mới thì thông tin chuyển nhượng, tặng cho sẽ được ghi tại trang 3, trang 4 hoặc tại trang bổ sung (nếu trang 3, trang 4 đã ghi kín).

Ngoài ra, việc thế chấp cũng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính và thông tin thế chấp được thể hiện tại trang 3, trang 4 hoặc tại trang bổ sung (nếu trang 3, trang 4 đã ghi kín).

Ví dụ: Chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn A, CMND số 020908673 và vợ là bà Nguyễn Thị B, CMND số 020908675, địa chỉ tại số 65 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội; theo hồ sơ số 010656.CN.001.

Kết luận: Trên đây là cách đọc thông tin Sổ đỏ, Sổ hồng; người dân có thể không cần phải xin thông tin đất đai mà tự mình đối chiếu, kiểm tra những thông tin trong Giấy chứng nhận để loại trừ những rủi ro trong việc nhận chuyển nhượng.

Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *