Đăng hình ảnh người nợ tiền lên mạng xã hội có vi phạm không ?

Đăng ảnh người nợ tiền lên mạng xã hội là hành vi khá phổ biến hiện nay. Đó là một trong những cách thức mà bên cho vay dùng để đánh đòn tâm lý, gây áp lực tinh thần đối với con nợ để nhằm mục đích hối thúc con nợ mau chóng thực hiện nghĩa vụ trả nợ và lãi suất.

Hiện nay với thực trạng hoạt động mạnh mẽ của các app cho vay tiêu dùng, duyệt hồ sơ vay một cách nhanh chóng thông qua thông tin cá nhân hoặc thông qua chính các tài khoản mạng xã hội mà nhiều người gặp khó khăn về tài chính đã lựa chọn phương thức vay này để có chi phí trang trải. Tình trạng chung của những app cho vay này thường các thông tin về lãi suất sẽ không được trao đổi một cách rõ ràng, khiến người vay không hiểu rõ nghĩa vụ của mình, dẫn đến nhiều trường hợp mất khả năng thanh toán, mất khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận và trốn tránh. Từ đó tình trạng đăng ảnh đòi nợ trên khắp các trang mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến.

Người dùng các trang mạng xã hội như facebook, zalo, instagram có lẽ đều đã từng bắt gặp bài đăng đòi nợ có đính kèm các thông tin cá nhân và hình ảnh người vay của các bên cho vay nhằm mục đích dằn mặt, gây áp lực tâm lý đối với người vay để họ nhanh chóng thu xếp thực hiện nghĩa vụ trả nợ tránh bị nhiều người biết đến ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, công việc. Và hẳn rằng ai cũng từng đặt ra thắc mắc hành vi đăng ảnh người nợ tiền cá nhân (thậm chí ảnh vợ, ảnh con của người nợ tiền) có là hành vi vi phạm pháp luật? Bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ những vấn đề pháp lý xung quanh vấn đề này để giải đáp thấu đáo thắc mắc đó.

Để giải quyết vấn đề “Đăng hình ảnh người nợ tiền lên mạng có vi phạm không” cần tìm hiểu quy định pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền về hình ảnh của cá nhân như thế nào?

 

1. Pháp luật về quyền hình ảnh của cá nhân

Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, điều đó có nghĩa rằng, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh (nếu không có thỏa thuận khác). (Điều 32 Bộ luật dân sự 2015)

Có thể thấy hình ảnh của cá nhân thuộc về bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của cá nhân mà theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được phép luật bảo vệ. Việc thu thập, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Cùng với đó pháp luật ghi nhận, nếu phát hiện người khác sử dụng hình ảnh của mình mà không xin phép thì có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định pháp luật.

Như vậy, rõ ràng pháp luật Việt Nam đã quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải được sự đồng ý của họ nếu không sẽ phải bồi thường thiệt hại và tùy mức độ mà bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Lưu ý: Pháp luật Việt Nam loại trừ trách nhiệm của người sử dụng hình ảnh của người khác (nghĩa là sẽ không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh mà vẫn được sử dụng) trong các trường hợp sau đây:

– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng (tức không vì lợi ích cá nhân, tổ chức nào đó);

– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

 

2. Đăng ảnh người nợ tiền lên mạng xã hội có vi phạm không?

Như tại mục 1 đã phân tích và chỉ rõ quy định pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp bên cho vay đăng ảnh của người nợ lên các trang mạng xã hội thường là xuất phát từ ý chí của người cho vay mà không có sự thỏa thuận nào trước đó với người vay tiền, do đó, theo quy định pháp luật thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

 

3. Đăng ảnh người nợ tiền lên mạng xã hội bị xử phạt như thế nào?

Hành vi đăng ảnh người nợ tiền lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh kèm theo đó còn có những thông tin lời lẽ bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người nợ tiền là hành vi vi phạm pháp luật và người thực hiện hành vi có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể như sau:

Về xử lý hành chính:

Trường hợp người bị đăng hình ảnh là người có vay tiền và có trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì hành vi của người đăng hình ảnh lên mạng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với hành vi “thu thập, và sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý”, mức phạt tiền trong trường hợp này là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.

Trường hợp người bị đăng ảnh lên mạng xã hội không phải là người nợ tiền mà bị ghép ảnh và đe dọa, quấy rồi thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với hành vi “chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, mức phạt trong trường hợp này là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật.

Về xử lý hình sự

Trường hợp người bị đăng hình ảnh là người nợ tiền thì hành vi của người đăng hình ảnh lên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội làm nhục người khác với hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Khung hình phạt nhẹ nhất thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nặng thì sẽ bị phạt từ từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp người bị đăng hình ảnh lên mạng xã hội không phải là người vay tiền mà bị bịa đặt thông tin thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với hành vi bịa đặt/loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Khung hình phạt nhẹ nhất đối với hành vi này là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, nặng thì sẽ bị phạt từ từ 01 năm đến 03 năm.

Có thể thấy, sự phổ biến của các trang mạng xã hội khiến con người ta dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm đến đời tư cá nhân của người khác. Việc đăng tải hình ảnh cá nhân của người khác lên mạng kèm những lời lẽ xúc phạm nhiều người không hiểu biết pháp luật cứ tưởng rằng vô thưởng vô phạt nhưng không hề lường trước hậu quả pháp lý có thể sẽ phải gánh chịu không hề nhỏ.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Hành vi đang ảnh người khác lên mạng xã hội có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015, gồm:

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

– Thiệt hại khác

Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chiu, mức bồi thường này do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì áp dụng mức không qua 10 lần mức lương cơ sở theo quy định của nhà nước (hiện tại năm 2022 mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng).

 

4. Làm thế nào khi bị người đòi nợ đăng hình ảnh lên mạng xã hội?

Về mặt pháp lý, người nợ tiền bị đăng hình ảnh lên mạng xã hội có quyền yêu cầu người thực hiện hành vi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội gỡ bỏ bài đăng, bồi thường thiệt hại nếu có và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tùy theo mức độ mà xử lý hành chính hoặc hình sự như trên mục 3 đã trình bày. Tuy nhiên về phần mình cũng cần tuân thủ nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận ban đầu khi vay tiền, trường hợp khó khăn thì có thể thỏa thuận để được kéo dài thời gian. Bởi suy cho cùng, nguyên nhân của mọi sự rắc rối đến từ việc bạn đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Đối với người không hề vay tiền mà bị các đối tượng cắt ghép hình ảnh đăng lên mạng cùng với lời lẽ đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì phải kiên quyết và dứt khoát yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý để chấm dứt tình trạng này bảo vệ danh dự, nhân phẩm, quyền lợi chính đáng của mình.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về nội dung “Đăng ảnh con nợ lên mạng xã hội có vi phạm không?”, hy vọng với những thông tin chia sẻ này sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức pháp lý để bảo vệ quyền về hình ảnh của mình. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: 0978 577 768 để được hỗ trợ và giải đáp.

Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *