1. Dịch Covid-19 là một sự kiện pháp lý
– Ngày 29/01/2020, tại Quyết định 219/QĐ-BYT, Bộ Y tế Việt Nam đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 các bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
– Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là dịch truyền nhiễm tại Việt Nam, thời điểm xẩy ra dịch là từ ngày 23/01/2020.
– Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu.
– Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phù ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
– Ngày 31/3/2020, Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc trong thời hạn 15 ngày từ 0 giờ ngày 01/4 đến hết ngày 15/4/2020.
– Ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, thời gian xảy ra dịch là từ ngày 23/01/2020.
2. Quy định của pháp luật về sự kiện bất khả kháng
Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định sự kiện bất khả kháng khi có đủ 3 yếu tố sau:
– Xảy ra một cách khách quan;
– Các bên không thể lường trước được;
– Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
3. Miễn trừ nghĩa vụ khi có sự kiện bất khả kháng
Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
4. Dịch Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng
Mặc dù nguồn gốc dịch bệnh Covid-19 đang gây nhiều tranh cãi nhưng đến nay được xem là xảy ra một cách khách quan. Việc ban hành, áp dụng các văn bản phòng chống dịch Covid-19 cũng xem là khách quan, ngoài ý muốn của các bên trong quan hệ hợp đồng và không thể lường trước được. Mặc dù đã thoả mãn 2 điều kiện về sự kiện bất khả kháng nhưng cần phải xem xét điều kiện thứ ba “Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Nếu áp dụng các biện pháp khắc phục mà vẫn thực hiện được hợp đồng thì không được coi là bất khả kháng. Vì vậy, sự kiện dịch Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng hay không thì phải xem từng hợp đồng cụ thể, ngành nghề kinh doanh, địa điểm ảnh hưởng và khả năng áp dụng biện pháp khắc phục của các bên.
Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com