Ly hôn đơn phương mất bao lâu? Làm sao để ly hôn nhanh?

Khi muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân, ai cũng muốn thủ tục ly hôn thực hiện nhanh chóng. Vậy thời gian giải quyết ly hôn đơn phương là bao lâu? Muốn ly hôn đơn phương nhanh thì phải lưu ý gì?

Mất bao lâu để Toà án giải quyết ly hôn đơn phương?

Ly hôn đơn phương là việc một trong hai bên vợ, chồng yêu cầu ly hôn khi không muốn kéo dài cuộc sống hôn nhân với người còn lại. Theo đó, Toà án sẽ giải quyết cho vợ chồng ly hôn nếu có các điều kiện nêu tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình:

– Hai bên không hoà giải thành tại Toà án.

– Có căn cứ vợ, chồng bạo lực gia đình/vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng nghiêm trọng khiến hôn nhân trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Về thời gian giải quyết ly hôn đơn phương, Điều 191, 195, 196, 197, 203 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định trình tự, thời gian như sau:

Bước 1: Vợ hoặc chồng nộp đơn ly hôn đến Toà án có thẩm quyền – Toà án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chồng hoặc vợ – người bị yêu cầu ly hôn (Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự) hoặc nơi vợ chồng thoả thuận nộp (điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Bước 2: Nếu nộp trực tiếp, Toà án sẽ cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn, nếu gửi qua dịch vụ bưu chính thì giấy xác nhận được cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc.

Bước 3: Xem xét đơn yêu cầu ly hôn đơn phương trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Bước 4: Thẩm phán đưa ra một trong các quyết định trong thời hạn 05 ngày làm việc: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn ly hôn; thụ lý vụ án hoặc chuyển đơn cho Toà có thẩm quyền hoặc trả lại đơn.

Bước 5: Sau khi nhận đơn ly hôn đơn phương, Toà án thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Toà.

Bước 6: Thẩm phán thông báo thụ lý vụ án trong 03 ngày làm việc. Đồng thời, phân công Thẩm phán thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Bước 7: Chuẩn bị xét xử vụ án trong thời gian 04 tháng hoặc 06 tháng nếu vụ ly hôn đơn phương có tính chất phức tạp/sự kiện bất khả kháng/trở ngại khách quan. Trong thời gian này, Toà án xác minh, thu thập chứng cứ, hoà giải… và đưa ra một trong số các quyết định sau:

– Công nhận sự thoả thuận.

– Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án.

– Đưa vụ án ra xét xử.

Bước 8: Thời hạn đưa vụ án ra xét xử sau khi có quyết định là 01 tháng.

Như vậy, nếu theo thủ tục thông thường, một vụ án ly hôn đơn phương sẽ được giải quyết trong thời gian từ 06 – 08 tháng.

4 điều cần lưu ý để ly hôn đơn phương nhanh chóng

Như phân tích ở trên, đây là hình thức ly hôn theo yêu cầu của một bên mà không phải ly hôn thuận tình – hai bên đã đạt được thống nhất về các bấn đề chia tài sản, chấm dứt quan hệ hôn nhân, nuôi con, cấp dưỡng… Do đó, để ly hôn đơn phương nhanh, người gửi yêu cầu cần lưu ý những điều sau đây:

Thứ nhất, phải có lý do và bằng chứng ly hôn để Toà án chấp nhận đơn ly hôn đơn phương. Cụ thể:

– Một trong hai người vợ hoặc chồng phải có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng như chung thuỷ, yêu thương nhau…

– Chính hành vi nêu trên của vợ chồng khiến cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, vợ chồng không thể chung sống với nhau.

Do đó, khi muốn ly hôn nhanh chóng, người làm đơn cần phải chuẩn bị đầy đủ bằng chứng để chứng minh cho yêu cầu ly hôn của mình là chính xác. Qua đó, yêu cầu ly hôn đơn phương sẽ được chấp nhận và thời gian xem xét thụ lý vụ án cũng như chuẩn bị xét xử cũng sẽ thuận lợi hơn.

Thứ hai, phải chuẩn bị đủ hồ sơ ly hôn. Khi hồ sơ ly hôn đủ thì không mất thêm thời gian để sửa đổi, bổ sung. Theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án chỉ cho vợ chồng sửa đổi, bổ sung trong thời hạn không quá 01 tháng hoặc gia hạn thêm không quá 15 ngày nếu thuộc trường hợp đặc biệt.

Thứ ba, có mặt khi được Toà triệu tập bởi theo khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự:

– Vắng mặt ở lần triệu tập thứ nhất, Toà án sẽ hoãn phiên toà trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

– Vắng mặt ở lần triệu tập thứ hai, Toà án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án vì coi như nguyên đơn từ bỏ yêu cầu khởi kiện.

Do đó, nếu không có đơn xét xử vắng mặt hoặc vắng mặt khi Toà án triệu tập hợp lệ thì thời gian giải quyết sẽ bị kéo dài do phiên toà bị hoãn xét xử.

Thứ tư, không yêu cầu Toà án hoà giải bởi nếu một trong các đương sự đề nghị không hoà giải thì theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án ly hôn đơn phương này sẽ không hoà giải. Do đó, thời gian chuẩn bị xét xử có thể rút ngắn hơn so với bình thường.

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Thời gian ly hôn đơn phương mất bao lâu? Nếu còn thắc mắc về các vấn đề khác xung quanh lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Quý khách có thể liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp.

Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *