Tung tin người khác chết sai sự thật trên Facebook ?

Trên các trang mạng xã hội xuất hiện này càng nhiều luồng thông tin bịa đặt, sai sự thật như đăng tin giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng về Covid-19; tung tin giả cháu bé bị bắt cóc ở Bình Dương,… Gần đây nhất là thông tin sai sự thật về cái chết của Khá ‘bảnh’. Có thể thấy, hành vi tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây hoang mang cộng đồng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng hậu quả, tính chất, mức độ mà hành vi này sẽ phải đối diện với các trách nhiệm pháp lý như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, xử phạt hành chính.

Tối ngày 20/12, mạng xã hội xôn xao thông tin giang hồ sống ảo Khá ‘bảnh’ chết trong trại tạm giam, một số bình luận còn khẳng định Khá ‘bảnh’ bị bạn tù đâm 10 nhát. Thông tin trên được hàng loạt tài khoản Facebook chia sẻ lại, các bài đăng thông tin liên quan đến Khá “bảnh” thu hút gần 10.000 lượt tương tác và hàng ngàn lượt bình luận.

Được biết, sau khi bị TAND thị xã Từ Sơn tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”. Khá ‘bảnh’ được đưa về thi hành án tại trại giam Hoàng Tiến, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trao đổi với báo chí, Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, khẳng định tin đồn Khá ‘bảnh’ chết trong trại tạm giam là không chính xác.

Một lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cũng phủ nhận tin đồn và khẳng định không có chuyện Khá “bảnh” bị đâm tử vong trong trại giam như thông tin đồn đoán trên mạng xã hội. Người thân Khá “bảnh” cũng xác nhận lại thông tin này.

Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng

Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, đăng tin sai sự thật người khác chết trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận là một trong những hành vi bị cấm. Hành vi này xâm phạm đến quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác được pháp luật bảo vệ và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ vi phạm.

Người thực hiện hành vi đăng tin sai sự thật người khác chết lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể:

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Thêm vào đó, căn cứ khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Trong đó, mức phạt nêu trên được áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng một phần hai mức phạt này, tức là phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.”
Mới đây, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Q.V.L. (SN 1983, thường trú tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) về hành vi chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang người dân trong nhóm facebook “Người Tiên Lãng” với mức phạt tiền 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Công an quận Liên Chiểu TP. Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp đăng tải kết quả xét nghiệm Covid-19 không đúng sự thật gây hoang mang dư luận. Theo đó, N.T.M bị phạt 7.500 000 đồng về hành vi “Giả mạo tổ chức và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức” và Đ.N.T bị phạt 12.500.000 đồng về hành vi “Đưa thông tin sai sự thật”.
Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt ca sĩ Hòa Minzy mức tiền phạt là 7.500.000 đồng vì đã chia sẻ tin giả được cho là phát ngôn của Phó thủ tưởng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống Covid-19, theo điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Nguồn:Lsvn.vn

Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *