Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó có quy định cấm thu tiền môi giới của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, tại Điều 7 Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đơn cử như:
– Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật.
– Thu tiền môi giới của người lao động.
– Hỗ trợ người lao động hoặc trực tiếp làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.
– Cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài.
– Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho chi nhánh của doanh nghiệp không đúng quy định của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.
– Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.
– Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.
– Áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.
– Đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà vi phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của người lao động và cộng đồng hoặc không được nước tiếp nhận lao động cho phép.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2022, cấm thu tiền môi giới của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hiện nay, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 và Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 04/09/2007 vẫn cho phép doanh nghiệp thu tiền môi giới của người lao động khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa.
Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/người lao động cho một năm hợp đồng. Trường hợp do yêu cầu của thị trường đòi hỏi mức tiền môi giới cao hơn mức trần quy định thì doanh nghiệp báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính.
Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thay thế Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.
Mọi thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
Văn phòng luật sư Văn Danh & Cộng sự
Trụ sở: Số 288 đường Nguyễn Trãi, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0978 577 768 – 0946 086 432
Email: lsvandanh@gmail.com
Website: https://luatnghean.vn – https://luatnghean.com